Tôi muốn lắp một dàn mô phỏng đua xe thì nên bắt đầu từ đâu?
- Người viết: Nguyễn Thế Hiển lúc
- Bài viết
Chào bạn, cảm ơn bạn đã đến với website simrig.vn của Vietnam Motorsport Development. Để bắt đầu xây dựng một dàn mô phỏng lái xe (hay còn gọi là Simulation Rig - simrig), sẽ có các thành phần sau đây mà các bạn cần phải nắm:
I. Vô lăng: thiết bị điều hướng, điều khiển chiếc xe chạy theo ý của bạn. Có rất nhiều loại vô lăng mà bạn có thể chọn như:
Vô lăng tròn: dùng cho các thể loại xe như drift, rally, NASCAR.. có thể quay 1080 độ mà không bị vướng, đảm bảo cho bạn trải nghiệm tốt nhất để điều khiển chiếc xe một cách linh hoạt.
Vô lăng GT: cũng là vô lăng tròn nhưng sẽ vát góc dưới hoặc trên, chủ yếu dùng cho các xe GT, quay được 650 độ. Vô Lăng GT sẽ có một cơ số nút bấm để giúp cho bạn điều chỉnh những thông số như ABS, TC, Engine Map, Braking Bias, giúp chiếc xe có thể ổn định và mang lại cho bạn thành tích tốt nhất.
Vô lăng Formula: vô lăng với thiết kế khác hoàn toàn các vô lăng mà các bạn thấy, với rất nhiều chi tiết và nút bấm, quay chỉ được 360 độ, có màn hình rất to và đèn báo tua, hiển thị các thông số của xe lên vô lăng.
Các loại vô lăng của xe thật, kết nối thông qua các thiết bị kết nối như hub.
Các loại vô lăng có thể được bọc da thuộc, hoặc bọc da lộn (suede) hay da Alcantara, tùy vào sở thích của cá nhân, bạn có thể chọn cho mình một chiếc vô lăng hợp lý nhất. Chú ý, bạn đừng quên mua cho mình một đôi găng tay để đảm bảo vệ sinh khi chơi, ngoài ra cũng sẽ giúp cho bạn dễ chịu và thoải mái hơn trong những cuộc đua hàng tiếng đồng hồ.
II. Mô tơ: Trái tim của của simrig, mang chiếc xe đến gần bạn hơn. Mô tơ hay còn gọi là wheel base, được các hãng thiết kế với nhiều loại công nghệ truyền động khác nhau. Một tính năng của Mô tơ đáng chú ý phải kể đến là công nghệ phản hồi lực hay còn gọi là Force Feedback. Ccông nghệ này sẽ tạo ra lực phản hồi trực tiếp lên vô lăng, giúp cho bạn cảm nhận tốt hơn những yếu tố ảnh hưởng đến chiếc xe như điều kiện mặt đường, độ nặng khi vào cua ở tốc độ cao..v.v. Force Feedback phụ thuộc nhiều vào yếu tố công nghệ được sử dụng trên mô tơ, mỗi công nghệ sẽ tương ứng với cảm xúc chân thực mang lại, giá tiền, chất lượng hoàn thiện... Hiện nay, phổ biến nhất trên thị trường có lẽ là 3 loại công nghệ như:
Mô tơ truyền động sử dụng bánh răng (Gears Drive): Đây có lẽ là dòng mô tơ phổ biến nhất, dễ tiếp cận nhất, sử dụng bánh răng để truyền động trực tiếp từ mô tơ đến trục quay của vô lăng. Ưu điểm của các dòng mô tơ này là giá thành, tuy nhiên vì sử dụng bánh răng nên độ mịn và chi tiết của góc xoay vô lăng sẽ khá bị hạn chế. Chưa kể đển qua thời gian dài sử dụng, các bánh răng sẽ bị hao mòn đáng kể, làm mất độ chính xác khi điều khiển vô lăng.
Mô tơ truyền động sử dụng dây đai (Belt Drive): Sự kết hợp giữa dây dai và mô tơ để tạo ra cơ chế truyền động chính xác, mượt mà hơn. Vẫn sử dụng mô tơ, nhưng việc truyền động về trục vô lăng được dây đai đảm nhận. Điều này sẽ giúp lực phải hồi khi chơi mượt mà hơn. Cũng nhờ dây đai truyền động mà độ lớn của lực kéo có thể lên đến 8Nm. Nhược điểm duy nhất của dòng mô tơ này có lẽ nằm ở dây đai, qua thời gian sử dụng dây đai sẽ giãn ra dẫn tới việc giảm lực phản hồi
Mô tơ truyền động trực tiếp (Direct Drive): Tính tới thời điểm hiện tại, công nghệ truyền động trực tiếp, direct drive (DD) là công nghệ hiện đại nhất trong các dòng mô tơ. Với công nghệ này, trục vô lăng sẽ được nối trực tiếp với vô lăng, không qua bất kỳ chi tiết trung gian nào, vào từ đó, 100% lực phản hồi sinh ra khi bạn điều khiển chiếc xe sẽ do tay bạn cảm nhận hết. Ưu điểm của loại động cơ này là mang lại cho bạn mô men xoắn của lực phản hồi rất lớn, lên tới 25Nm. Phản hồi lực sẽ không bị hao hụt trong quá trình truyền đến tay bạn. Bạn cũng không cần phải quan tâm đến việc hao mòn của các chi tiết bên trong mô tơ như dây đai hay bánh răng. Nhược điểm duy nhất là đòi hỏi hầu bao của bạn phải đủ đáp ứng.
III. Bàn đạp: Bàn đạp giúp cho bạn tăng tốc và giảm tốc chiếc xe của mình, bên cạnh đó bàn đạp cũng hỗ trợ bạn sang số nhịp nhàng hơn. Khi nói về bàn đạp, chúng ta có khá nhiều lựa chọn ví dụ như: số lượng pedal, loại cảm biến, độ nặng của lực phản hồi hay còn gọi là lực nén, kiểu dáng thiết kế chất lượng hoàn thiện...
Thông thường, loại bàn đạp được sử dụng nhiều nhất là bàn đạp đi kèm wheelbase và vô lăng, được bán theo combo, chúng ta sẽ thấy có 3 pedal ga, thắng, côn, sử dụng cơ chế lò xo để tạo độ nặng khi sử dụng. Đa số các loại pedal này sẽ sử dụng bánh răng kết hợp với chiết áp để nhận tín hiệu thông qua góc nghiên của pedal. Bên cạnh đó, ngoài đế tựa chân là một hộp nhựa thì các loại pedal này còn sử dụng những tấm kim loại để làm bàn đạp, tăng tính thực tế.
Cao cấp hơn một chút, chúng ta sẽ có những loại pedal tuy vẫn dùng cơ chế bánh răng cảm biến, thì chất lượng hoàn thiện cao hơn với vật liệu làm từ nhôm đúc nguyên khối và sơn đen, tạo cảm giác chắc chắn. Ngoài ra còn sử dụng thêm Loadcell (cảm biến lực, khác hoàn toàn so với chiết áp) để tạo ra cảm giác chân thực hơn cho hành trình của pedal. Với lực nén có thể lên đến 90kg,
Và cuối cùng là những dàn pedal bằng nhôm CNC, sử dụng công nghệ cảm biến cảm biến áp suất. Những loại pedal này không còn được coi là đồ chơi giải trí nữa mà là công nghệ mô phỏng. Nối vào bàn đạp sẽ là những ống thủy lực với bên trong là dầu, khi pedal di chuyển, nén dầu lại thì cảm biến sẽ truyền tín hiệu tương ứng.
Quyết định lựa chọn loại pedal nào sẽ là của bạn, thoải mái nhé.
III. Các thiết bị ngoại vi: Mục đích để tăng thêm tính thực tế khi chúng ta chơi đua xe mô phỏng, bên cạnh đó cũng bỏ bớt đi những bất tiện khi phần HUD của game năm fở vị trí không hề thuận tiện cho mắt của bạn. Danh sách các thiết bị có thể kể đến bao gồm:
Hộp số: Với các loại số H-Partern hoặc là số Sequential (tuần tự), tuy nhiên hộp số sẽ hữu dụng khi bạn có vô lăng tròn và pedal côn. Vì các loại vô lăng hiện nay đều kèm theo lẫy số phía sau (paddle shifter) nên bạn hãy cân nhắc cho budget của mình trước khi mua nhé
Phanh tay: Hỗ trợ rất đắc lực cho những tay đua muốn đua drift, với nhiều sản phẩm đa dạng từ chủng loại, kích thước và chất liệu hoàn thiện
Hộp nút: Đối với những tay đua chuyên đua những dòng xe GT/ Rally và muốn độ thực tế cao nhất thì hộp nút sẽ là một công cụ đắc lực. Hộp nút rất thuận tiện trong khi các bạn đang mang găng tay và không hề muốn thao tác với những nút bấm ở trên vô lăng hay bàn phím máy tính.
Màn hình thông tin: Có rất nhiều loại màn hình thông tin dùng để hiển thị các thông số khi đua như telemetry, thời gian, thứ hạng, bản đồ đường đua, thay thậm chí là hiện tại xe bạn đang chạy số mấy.
Các chi tiết dùng để gắn và cố định vị trí của hộp số và thắng tay, tai nghe hay màn hình
V. Ghế đua: Bạn có thể sử dụng ghế văn phòng để ngồi chơi cũng không sao, nhưng hãy chú ý làm sao đó cho ghế phải cố định ở một vị trí, không xoay khi bạn bẻ lái và không di chuyển khi bạn đạp phanh. Các hãng sản xuất cũng đã có tung ra thị trường các loại ghế khác nhau nhưng nhìn chung sẽ có 2 loại
Ghế theo hình dáng xe đua F1: Tư thế khi lên ghế sẽ gần như là nằm ngửa ra, vô lăng sẽ đưa sát tới trước mặt bạn, tạo cảm giác chân thực nhất rằng bạn đang ngồi trong cockpit của một chiếc xe đua. Thường thì các loại ghế này sẽ gắn liền cả khung lẫn ghế và cột gắn mô tơ.
Ghế Bucket seat: Là loại ghế được dùng cho các loại xe đua, hình dánh của các loại ghế này rất hầm hố. Tuy nhiên không gập lưng được, và bạn sẽ phải chú ý số đo vòng 3 của mình khi đặt mua các loại ghế này
Ghế gập: Là loại ghế đua thông thường để giúp bạn có thể thoải mái điều chỉnh tư thế ngồi của mình, ngoài ra các ghế này cũng có thể sử dụng để ngồi làm việc vì không ôm sát thân như bucket seat