Mua Vô lăng đua xe giả lập loại nào thì phù hợp với nhu cầu và túi tiền?
- Người viết: Hiển Nguyễn Thế lúc
- Bài viết
Mua vô lăng nào thì phù hợp với nhu cầu và túi tiền?
Game đua xe xuất hiện khá sớm và khá phổ biến trong cộng đồng game thủ, bên cạnh những tựa game chiến thuật, nhập vai hay bắn súng..v.v.. Từ những ngày đầu, trước khi máy tính cá nhân với bàn phím và chuột, hay là những hệ Console (PS4, XboX) với controller, thì việc chơi game đua xe đã khá phổ biến với vô lăng bàn đạp và cần số ở những thùng game siêu thị. Và chắc chắn là trong cộng đồng game thủ chúng ta, ai cũng muốn có cho riêng mình một bộ Vô lăng đua xe giả lập ở nhà để có thể thỏa mãn nhu cầu bất kỳ lúc nào.
Khoảng thời gian gần đây, trên thị trường thiết bị chơi game mô phỏng lại xuất hiện nhiều loại Vô lăng đua xe giả lập với mẫu mã, chất lượng, giá tiền khác nhau để từ nhiều nhà sản xuất khác nhau. Kết hợp với việc ở nhà nhiều hơn khiến cho nhu cầu sắm một bộ để chơi khi rảnh ở nhà lại càng cấp thiết. Nhưng làm thế nào để phân biệt nên mua loại Vô lăng đua xe giả lập nào là phù hợp với túi tiền và nhu cầu của mình thì chưa chắc game thủ nào cũng biết.
Hy vọng với bài viết dưới đây, Simrig.vn sẽ giúp được phần nào cho các bạn phân biệt được tạm gọi là các phân khúc Vô lăng đua xe giả lập đang có mặt trên thị trường.
Phân khúc I. Beginner - Dành cho người mới chơi:
Nếu như bạn là một người đam mê đua xe nhưng trước giờ chỉ chơi trên bàn phím máy tính hoặc tay cầm và đang có ý định chuyển sang một bộ vô lăng thì việc cân đối túi tiền là hợp lý nhất. Lý do đơn giản mà simrig.vn có thể đưa ra là chúng tôi không muốn bạn phải tiếc quá nhiều khi bỗng nhận ra mình không mê chơi game đua xe nhiều như mình tưởng khi đầu tư một dàn vô lăng đua xe cao cấp.
Đối với người mới bắt đầu sử dụng vô lăng thì việc chuyển từ bàn phím hoặc tay cầm đã là một bước tiến, với những ưu điểm như sau:
- Cảm giác "ngầu" khi điều khiển xe bằng vô lăng và pedal, mình cũng giống như đi xe thật rồi nè.
- Điều khiển được góc lái của bánh xe theo đúng hướng mình muốn, lại còn xoay được 1080 độ nữa.
- Làm quen với việc vào số và trả số với lẫy chuyển số trên vô lăng, thay vì chạy chế độ số tự động như trước
- Ngoài ra còn có các thao tác sử dụng pedal ga, pedal phanh và thậm chí là pedal côn nếu bạn có cần số gắn rời (không phải là lẫy chuyển số sau vô lăng mà là cần số sàn H-partern hoặc cần số tuần tự Sequential)
Tôi hoàn toàn chắc chắn bạn sẽ hoàn toàn không có nhu cầu quá cao về những thứ như độ chi tiết của hành trình xoay vô lăng, mô men xoắn của tính năng phản hồi lực hay độ nặng của pedal.
Vậy chọn loại Vô lăng đua xe mô phỏng nào là hợp lý ở phân khúc này? Simrig.vn có thể gợi ý bạn sử dụng những sản phẩm vô lăng đại trà có trên thị trường. Bên cạnh đó bạn có thể mua hàng mới tinh, cũng có thể mua lại từ các anh chị em không còn nhu cầu sử dụng nữa, đặc biệt là sau khi mua vô lăng về để tập thi bằng lái xe thì họ sẽ bán lại rất nhiều. Cũng có một điểm mà tôi cần nhấn mạnh thêm ở các bộ vô lăng đua xe mô phỏng ở mức phân khúc này thường bán theo dạng combo: chung Vô lăng, Mô tơ, Bàn đạp, Cần số. Ngoài ra hiết kế của các bộ vô lăng này rất thuận tiện cho bạn trong việc gắn lên bàn làm việc, và tháo ra sau khi chơi xong trong vài nốt nhạc.
Tầm chi phí có thể bắt đầu từ 5,000,000 VND đến 20,000,000 VND
Phân khúc II. Intermediate - Dành cho người đã có kinh nghiệm:
Người chơi ở phân khúc này thông thường là những người đã có từ 6 tháng cho đến 2 năm kinh nghiệm. Họ hoàn toàn thành thục việc sử dụng nhận ra chiếc vô lăng đầu tiên của mình bắt đầu có một số nhược điểm như:
- Hành trình vô lăng xoay không còn mình như mới, cảm giác rõ có sự "thô ráp của bánh răng chạm vào nhau" khi quay vô lăng. Bên cạnh đó còn là những tiếng ồn phát ra khi bạn quay vô lăng mạnh.
- Lẫy chuyển số bắt đầu có dấu hiệu bị rơ, không còn phát ra tiếng "click" rõ ràng như trước nữa
- Tính hiệu pedal bắt đầu có hiện tượng không ổn định khi đạp hết hành trình hoặc để yên (còn gọi là Spiking)
- Da vô lăng đã có dấu hiệu bong và tróc, và vô lăng cũ đi rất nhiều.
Tất nhiên là những hiện tượng trên đều có cách khắc phục như tháo base để tra mỡ các chi tiết truyền động, kiểm tra lại lò xo của lẫy chuyển số và vệ sinh công tắc, vệ sinh bằng RP7 cho cảm biến góc vô lăng, cuấn dây cao su xung quanh vô lăng. Nhưng tất cả đều tạm thời, vì bản chất của các vô lăng nhập môn đều không dành cho việc chơi đua xe liên tục (hơn 20h/ tuần).
Trong trường hợp bạn muốn thay vô lăng ở phân khúc giữa này, thì nên cân nhắc thêm một số yếu tố dưới đây để đảm bảo là mình sẽ hoàn toàn happy khi nâng cấp nhé:
- Phản hồi lực chưa đủ sướng, tôi cần mạnh hơn, nhanh hơn và mịn hơn!
- Tôi thấy có nhiều kiểu vô lăng khác nhau trên mạng quá, cần chuyển vô lăng tròn sang vô lăng F1 hoặc đổi qua da lộn để đua cho có cảm hứng.
- Pedal nhẹ quá, nặng thêm chút nữa thì tốt!
Lúc này các loại vô lăng có thể thay đổi được, thiết kế với nhiều nút tính năng và chất liệu khác nhau sẽ là lựa chọn lý tưởng cho bạn lúc này, cần cân nhắc các yếu tố như sau:
- Có thể lựa chọn thêm da lộn hoặc alcantara để mang lại cảm giác thoải mái hơn khi cầm
- Chất liệu hoàn thiện có thể là kim loại hoặc nhôm CNC.
- Số lượng nút trên vô lăng có thể nhiều hơn và đa dạng hơn
- Với cơ chế truyền động đa số là sử dụng bánh răng-dây cu roa (belt-gear) thì phản hồi lực đều có thể đạt từ 3.5 đến 5 Nm.
Bên cạnh đó, khi vô lăng đã có công suất mạnh hơn thì bạn cũng nên quan tâm đến việc có thể có tư thế ngồi tốt hơn. Thay vì phải gồng cơ mông và cơ bụng mỗi lần đạp phanh gắt vì mình đang ngồi trên ghế trượt thì bạn sẽ không quá bận tâm khi pedal được gắn trên một dàn rig ổn định. Cũng không cần phải suy nghĩ nhiều về việc siết lại kẹp bàn của vô lăng bị xê dịch sau mỗi lần vào cua gắt. Simrig.vn sẽ có một bài viết chi tiết hơn về việc lựa chọn rig như thế nào là phù hợp sau.
Tầm chi phí mà bạn có thể phải chi cho tất cả các thiết bị ở tầng này là từ 20,000,000 VND đến 50,000,000 VND
Phân khúc III. Advanced - Khi bạn quyết định Go-Pro, tập trung vào yếu tố giả lập.
Ở tầm này, tài chính của bạn không phải là vấn đề, lời khuyên chân thành từ Simrig là bạn phải xác định việc lên đời vô lăng không còn là việc mua đồ chơi nữa. Bởi vì thực sự giá của một dàn rig ở tầng Advance có thể ngang một chiếc xe hơi đời cũ. Bạn sẽ thường xuyên nhận được những câu nói là "chừng đó tiền thì mua xe hơi mà chạy", nên đừng bận tâm nhiều quá nhé. Ở phân khúc này, tất cả các thành phần của bộ vô lăng đua xe mô phỏng sẽ bán rời, không đi theo combo, và thậm chí giá của một thành phần có thể ngang với 1 dàn CPU.
Một số tiêu chí giúp bạn nhận ra là bạn nên mua những dàn mô phỏng ở phân khúc này:
- Bạn là một petrohead đích thực, nhận biết rõ ở ngoài đời thật thì nên đi an toàn và theo đúng luật giao thông. Nhưng khi đã vào track thì cháy hết mình. Và bạn muốn có một giàn rig để mô phỏng lại cảm giác chay hết mình đó.
- Bạn đam mê motorsports, thích những chiếc xe đua ở nhiền hạng khác nhau (F1, F2, F3, GT3, GTE, IndyCar...) với những trang bị tối tân, thèm muốn được trải nghiệm cảm giác khi ngồi trong buồng lái.
- Bạn biết những trường đua nổi tiếng trên thế giới như Spa, Silverstone, Redbull Ring, Monza, Green Hell... bạn thèm được trải nghiệm từng khúc cua ở đó, từng chỗ lồi lõm trên mặt đường, từng khúc kerbs....
- Bạn đang có dự tính đi lên chuyên nghiệp ở môn Digital Motorsports, cần phải có công cụ và thiết bị chuẩn xác để có thể cạnh tranh một cách công bằng.
- Hay đơn giản là bạn dư tiền, muốn mua thêm đồ trang trí trong nhà và khẳng định cái tôi cá nhân. Tầm này đồ chơi nó biến thành đồ nội thất trang trí trong nhà :)))
Vậy mua gì đây? Simrig.vn sẽ gợi ý bạn một số thứ như sau:
- Mô tơ: Chăc chắn bạn sẽ phải mua những loại mô tơ sử dụng công nghệ truyền đồng trực tiếp Direct Drive, lý do đơn giản là với Direcr Drive bạn sẽ cảm nhận chân thật nhất phản hồi lực do game giả lập mang lại. Không có độ trễ, không có hao hụt...
- Vô lăng: Ở phân khúc này, có rất nhiều hãng làm nhiều loại vô lăng tùy theo loại xe mà bạn chạy, Open Wheel, Lemans Prototype, GT, Dift/ Rally, với nhiều loại vật liệu khác nhau (nhôm CNC, sợi carbon...)
- Pedal: Có vô số loại pedal khác nhau từ chân phanh, chân ga đến chân côn, có loại thì có damper để tạo lực nặng lên pedal ga, giúp cho hành trình di chuyển của pedal có độ tì nhất định. Đối với pedal phanh thì có loadcell, có phanh dầu thủy lực để tạo ra lực phanh lên tới 50kg
- Cần số tay: Nếu chán việc lên số bằng lẩy gạt số phía sau vô lăng, bạn vẫn có thể chọn cho mình một bộ số tay giả lập. Có thể là số tuần tự (sequential) hay là số sàn (H-Patern)
- Phanh tay: Chuyên Rally và Drift, bạn thích thì có thể chơi loadcell hoặc chơi thủy lực.
- Motion: bạn thích rung lắc? Có thể bắt đầu từ loa rung, đến Servo 3DOF, hay thậm chí là piston thủy lực 6 DOF. Càng lên càng tốn.
- Triple Screen/ UltraWide: Màn càng to chơi càng thích
- VR: Có bộ này với Motion thì bạn là nhất.
Nói tóm lại ở đây, Simrig.vn muốn gợi ý cho các bạn là nên nâng cấp từ từ từng món, giống như là độ xe vậy. Bạn có mục tiêu của riêng mình, từ từ làm việc để đạt mục tiêu đó.
Tầm chi phí mà bạn có thể phải chi cho tất cả các thiết bị ở tầng này là từ 50,000,000 VND đến khi nào bạn hết tiền :))
Nếu bạn đang băn khoăn không biết nên mua loại nào, hãy liên hệ với Simrig.vn để được tư vấn. Ngoài ra dưới đây là một số bài tham khảo thêm để giúp bạn có thể nắm bắt nhanh về bộ môn đua xe giả lập này
- Tôi muốn lắp một dàn mô phỏng đua xe thì nên bắt đầu từ đâu?
- Ultrawide hay Triple screens, chọn màn hình siêu dài hay ghép 3 lại